Tầm quan trọng của kĩ năng sống

Theo một nghiên cứu mới được trường đại học Monash (Úc) và Tổ chức Australian Scholarship Group thực hiện; phụ huynh Úc mong con mình nhận được một nền giáo dục toàn diện, trong đó kĩ năng sống là một phần không thể thiếu. Cụ thể, 69% phụ huynh cho rằng nhà trường cần tăng cường giáo dục cho con về kĩ năng sống.

Lợi ích đối với trẻ

Việc phụ huynh đòi hỏi đưa kĩ năng sống vào trường học không lạ. Đã có hàng trăm nghiên cứu trên khắp thế giới về tác dụng của kĩ năng sống đối với trẻ. Kĩ năng sống đã được chứng minh giúp trẻ:

– Tăng cường tư duy phản biện, tư duy sáng tạo.
– Cải thiện sức khoẻ thể chất và tinh thần.
– Có khả năng điều hoà cảm xúc tốt hơn.
– Có các mối quan hệ xã hội tích cực hơn.

Khi gặp vấn đề trong cuộc sống, trẻ có kĩ năng sống có khả năng chống chọi mạnh mẽ hơn. Cụ thể, trẻ có kĩ năng sống tốt sẽ:

– Có tinh thần ổn định, vững vàng trước khó khăn.
– Có xu hướng nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực.
– Nhận biết và lựa chọn đúng những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề.

Kĩ năng sống mang lại lợi ích suốt đời

Trong một khảo sát với các nhà tuyển dụng; 94% nhà tuyển dụng cho rằng kĩ năng sống cũng quan trọng bằng, hoặc hơn, kiến thức chuyên môn. Trong đó, khoảng 30% nhà tuyển dụng nhấn mạnh rằng những kĩ năng này quan trọng hơn kiến thức chuyên môn hay bằng cấp.

Kĩ năng sống là chìa khoá quan trọng cho chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Kĩ năng sống là chìa khoá quan trọng cho chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai.

Trong danh sách các kĩ năng cần thiết cho công việc, 78% các nhà tuyển dụng cũng đồng ý rằng kĩ năng làm việc nhóm và khả năng tự tạo động lực cho bản thân là 2 kĩ năng quan trọng nhất.

Không chỉ vậy, một nghiên cứu khác với hơn 8000 người cao tuổi cũng cho thấy những người có kĩ năng sống tốt hơn sẽ có nhiều lợi thế:

– Có thu nhập cao hơn.
– Giàu có hơn.
– Khoẻ mạnh hơn
– Cảm thấy hạnh phúc hơn.
– Sống tích cực hơn.
– Duy trì được các mối quan hệ tích cực và sâu sắc hơn.

Có thể thấy, kĩ năng sống với trẻ không chỉ là “học cho vui”, mà cực kì thiết thực đối với thành công trong tương lai của trẻ.

Vậy kĩ năng sống là gì? Có phải tất cả những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống đều được gọi là kĩ năng sống không? Dạy trẻ cách đánh răng có được gọi là kĩ năng sống hay không? Dạy đọc, viết, tính toán thì sao?

Định nghĩa kĩ năng sống

Có rất nhiều định nghĩa về kĩ năng sống nhưng chúng tôi thấy định nghĩa của UNICEF (Quỹ nhi đồng liên hợp quốc) là phù hợp nhất với trẻ và dễ áp dụng được vào thực tế giáo dục. UNICEF định nghĩa kĩ năng sống là:

“Khả năng tâm lí xã hội, cho phép mỗi cá nhân xử lí hoặc thích nghi với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, thông qua những hành vi tích cực.”

Quỹ nhi đồng liên hợp quốc – UNICEF

Khá khó hiểu phải không? Bạn đừng lo, chúng ta sẽ đi vào phân tích một số ý quan trọng trong định nghĩa này.

1. Khả năng tâm lí xã hội

Nghĩa là kĩ năng sống không bao gồm những kĩ năng vận động thuần tuý mà là về thái độ, tư duy, giao tiếp, quản lí cảm xúc… Dạy trẻ động tác đánh răng hay động tác cầm thìa xúc ăn không được coi là kĩ năng sống. Nhưng để trẻ hiểu tại sao phải đánh răng, tự nguyện đánh răng hàng ngày, đó là kĩ năng sống.

2. Giúp xử lí hoặc thích nghi với nhu cầu và thách thức của cuộc sống

Nói cách khác, kĩ năng sống giúp bạn giải quyết vấn đề của cuộc sống. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có rất nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng giải quyết của chúng ta. Khi đó, người có kĩ năng sẽ biết cách thích nghi, thay vì cảm thấy bất lực, phàn nàn.

3. Kĩ năng sống là những hành vi tích cực

Có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề; nhưng có cách tích cực và cũng có cách tiêu cực. Ví dụ khi bị stress, người có kĩ năng tốt sẽ hỏi tại sao mình bị stress, làm thế nào để mình giải quyết tận gốc nguồn cơn của việc này để lần sau không bị stress nữa. Người thiếu kĩ năng sẽ nghĩ “Nhức đầu quá, thôi ra làm điếu thuốc”. Lúc đấy họ sẽ đỡ stress. Nhưng vì vấn đề không được giải quyết, nên stress lại quay lại, và mang theo bệnh ung thư phổi.

Có những kĩ năng sống nào?

3 nhóm kĩ năng sống bao gồm Tự phục vụ, giao tiếp xã hội và giải quyết vấn đề.
3 nhóm kĩ năng sống bao gồm Tự phục vụ, giao tiếp xã hội và giải quyết vấn đề.

Quỹ nhi đồng liên hợp quốc UNICEF chia kĩ năng sống thành 3 nhóm như sau:

1. Kĩ năng tự phục vụ: Xây dựng sự tự tin, tự lập, tự chủ cho trẻ; bao gồm các kĩ năng cảm xúc. 

2. Kĩ năng giao tiếp xã hội: Phát triển cho trẻ khả năng tương tác, giao tiếp với người khác hiệu quả và tích cực, tránh những mối quan hệ có hại.  

3. Kĩ năng giải quyết vấn đề: Phát triển tư duy và giúp trẻ giải quyết vấn đề. 

Tuy nhiên việc phân nhóm này nhằm mục đích quản lí, đánh giá và phân loại các kĩ năng. Còn trong thực tế, các kĩ năng sống là sự tổng hoà của cả 3 nhóm. Ví dụ với kĩ năng Thoát hiểm khi gặp hoả hoạn, trẻ phải giữ được bình tĩnh (tự phục vụ); phải phân tích được tình huống và hành động phù hợp (giải quyết vấn đề)…

Ngoài ra, UNICEF cũng đã chỉ rõ rằng kĩ năng cơ bản như đọc, viết tuy rất cần thiết với cuộc sống hiện đại nhưng hệ thống giáo dục các nước đều đã làm tốt trong việc cung cấp những kĩ năng cơ bản này cho trẻ. Chính vì vậy trong định nghĩa của UNICEF, các kĩ năng này cũng không được gọi là kĩ năng sống.

Việc này giúp cho giáo dục kĩ năng sống không bị “dẫm lên chân” giáo dục truyền thống; mà hỗ trợ và bổ sung cho giáo dục truyền thống.

Top 10 kĩ năng sống quan trọng nhất

Cụ thể hơn nữa, ngoài việc chia các kĩ năng sống thành 3 nhóm; Tổ chức Y tế thế giới đã nghiên cứu nhiều chương trình và thống kê được 10 kĩ năng nền tảng, được chia thành 5 cặp như sau

1. Kĩ năng ra quyết định & giải quyết vấn đề;
2. Kĩ năng tư duy sáng tạo & tư duy phản biện;
3. Kĩ năng giao tiếp & xây dựng, duy trì các mối quan hệ;
4. Kĩ năng tự nhận thức & thấu cảm;
5. Kĩ năng điều hoà cảm xúc & stress.

Đây là 10 kĩ năng sống cơ bản và quan trọng nhất đối với mọi người và trẻ em nói riêng. Đây cũng là mục tiêu chung mà các chương trình giáo dục kĩ năng sống nền tảng hướng đến.

Phụ huynh nên làm gì để phát triển kĩ năng sống cho trẻ?

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để mang lại lợi ích lớn nhất cho trẻ.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để mang lại lợi ích lớn nhất cho trẻ.

Trách nhiệm của riêng phụ huynh?

Trước đây việc rèn luyện kĩ năng cho trẻ thường được coi là trách nhiệm của riêng phụ huynh. Nhưng với đòi hỏi của cuộc sống hiện đại, việc này đã không còn hợp lí. Ngày càng nhiều phụ huynh ở các nước phát triển nhận ra tầm quan trọng của kĩ năng sống. Họ yêu cầu nhà trường thay đổi, đưa kĩ năng vào dạy chính thức trong trường học.

May mắn là, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần 1 tiếng / tuần là đủ giúp trẻ cải thiện kĩ năng của mình; và người chịu trách nhiệm chính cho việc này nên là nhà trường.

Giáo dục kĩ năng sống cho trẻ tại Việt Nam

Tuy nhiên, tại những nước đang phát triển, hệ thống giáo dục đều đang quá tải. Người giáo viên đang phải làm quá nhiều việc, với số lượng học sinh quá đông. Việc đưa thêm một bộ môn đòi hỏi cách tiếp cận hoàn toàn mới như kĩ năng sống vào để giảng dạy là việc không đơn giản. Chính vì vậy, tại Việt Nam trong thời gian gần đây, kĩ năng sống đang dần được đưa vào nhà trường theo hình thức xã hội hoá. Các đơn vị có chuyên môn sẽ giúp trường triển khai nội dung giáo dục này, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho trẻ.

Chỉ 1 tiếng mỗi tuần là đủ để giúp trẻ cải thiện kĩ năng sống của mình.

Phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường

Thực tế cũng chỉ ra rằng, tuy nhà trường nên là nơi dẫn dắt các nỗ lực giáo dục trẻ; nhưng để các nỗ lực này thực sự đạt hiệu quả, thì sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là cực kì cần thiết.

Nhà trường nên thông báo cho phụ huynh về những gì trẻ đang được học trên lớp; hướng dẫn phụ huynh cách giúp trẻ củng cố kiến thức và thực hành các kĩ năng mới tại nhà.

Về phía phụ huynh, các bố, mẹ hoàn toàn có thể tự nghiên cứu và dạy bổ sung thêm cho con những kĩ năng mà mình thấy cần thiết. Việc này là rất tốt bởi phụ huynh sẽ có những góc nhìn khác hơn, sâu sắc hơn về con. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên tạo điều kiện, môi trường cho con thực hành những kĩ năng con đã học trên lớp… để mang lại lợi ích lớn nhất cho con.

Tìm hiểu thêm về kĩ năng sống

Đọc tới đây, chắc chắn các vị phụ huynh đã có khái niệm rõ ràng hơn về kĩ năng sống rồi. Chúng tôi cũng xin đưa ra một số nguồn tham khảo tin cậy để các vị phụ huynh có thể tìm hiểu thêm. Mong rằng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích được quý vị phụ huynh!

“Hiểu về kĩ năng sống”. Tài liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO)

Báo cáo của Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) về các nỗ lực giáo dục kĩ năng sống tại các nước trên thế giới.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về hiệu quả của giáo dục kĩ năng sống tích hợp (life-skill based education) áp dụng cho lĩnh vực Sức khoẻ

Danh sách các tài nguyên về kĩ năng sống được UNICEF khuyến nghị